Vận động tinh là gì?
Sự phát triển vận động là một lĩnh vực quan trọng trong sự phát triển toàn diện của mỗi trẻ và sự phát triển này bắt đầu ngay từ giai đoạn sơ sinh. Sự phát triển vận động của trẻ tăng lên theo độ tuổi. Kỹ năng vận động được chia làm 2 loại bao gồm vận động thô (gross motor skills) và vận động tinh (fine motor skills).
1. Vận động tinh là gì?
Vận động tinh liên quan đến chuyển động của các nhóm cơ nhỏ hơn, tinh vi hơn ở bàn tay, cổ tay, ngón tay. Là những kỹ năng liên quan đến khả năng điều khiển bàn tay và các ngón tay như: cầm nắm đồ chơi, xoay, vặn, siết, lắp ghép khối và các động tác phức tạp hơn như thêu, đan, nặn tượng, vẽ tranh, cầm bút, viết chữ, cắt kéo, cầm muỗng…
2. Tầm quan trọng của vận động tinh
Vận động tinh là kỹ năng mà trẻ phải học từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành. Bởi sẽ có rất nhiều việc cần đến sự tỉ mỉ, khéo léo của đôi tay.
Việc rèn luyện cho con kỹ năng này sẽ giúp trẻ trở nên độc lập hơn, tự chăm sóc bản thân mà không cần sự trợ giúp của người thân.
Quá trình lặp đi lặp lại các động tác không chỉ giúp trẻ ghi nhớ mà còn là cơ hội để trẻ học cách phối hợp hoạt động của tay với các giác quan khác như thị giác, thính giác. Từ đó mà trẻ ngày càng phát triển nhận thức và khả năng sáng tạo.
Đỉnh cao của vận động tinh là Viết.
3. Các mốc phát triển vận động tinh của trẻ
Một trong những kỹ năng vận động tinh mà trẻ cần phát triển bao gồm:
- Mở, khum bàn tay: Bé nên thành thạo các động tác cong lòng bàn tay vào trong bởi những điều này giúp phối hợp chuyển động giữa các ngón tay, từ đó tiến đến kỹ năng quan trọng khác như viết, cởi quần áo và nắm
- Kỹ năng giữ ổn định cổ tay: Kỹ năng này phát triển bởi những năm đầu tiên bé đến trường, chúng cho phép trẻ cử động ngón tay với sức mạnh và sự kiểm soát
- Sự khéo léo của bàn tay: Việc sử dụng ngón tay cái, ngón trỏ và các ngón tay khác với nhau để nắm, gỡ…
- Phát triển sức mạnh trong cơ tay: Đây là khả năng thực hiện các động tác nhỏ bằng bàn tay, trong đó có sự phối hợp giữa đầu ngón tay cái, ngón trỏ và ngón giữa
- Kỹ năng song song: Cho phép con sử dụng cả hai tay cùng một lúc
- Kỹ năng sử dụng kéo: Bé có thể học cách dùng kéo từ năm 4 tuổi và kết hợp nhuần nhuyễn cách điều khiển sức mạnh tay và phối hợp với mắt.
Dưới đây là các cột mốc đánh dấu cho sự phát triển vận động tinh ở trẻ từ 0 – 6 tuổi:
- Giai đoạn từ 0 – 3 tháng tuổi: trẻ có thể phát triển kỹ năng thông qua các động tác đơn giản như đưa tay lên miệng.
- Giai đoạn từ 3 – 6 tháng tuổi: mức độ phức tạp bắt đầu tăng dần trẻ có thể tự nắm, lắc đồ vật bằng hai tay hoặc truyền từ tay này sang tay kia.
- Giai đoạn từ 6 – 9 tháng tuổi: trẻ đã có thể chụm các ngón tay để cào cấu, vỗ tay, bốc thức ăn cho vào miệng hoặc dùng hai tay lấy đồ chơi.
- Giai đoạn 9 – 12 tháng tuổi: trẻ phát triển kỹ năng bằng cách cầm đồ chơi bằng một tay, dùng ngón cái, ngón trỏ để chỉ vào đồ vật, ngoài ra trẻ có thể tự cầm thức ăn đưa vào miệng, thậm chí là đập phá mọi thứ vào nhau.
- Giai đoạn từ 1 – 2 tuổi: phần lớn trẻ có thể xếp chồng đồ vật lên nhau, dùng bút để vẽ nguệch ngoạc lên giấy, một số trẻ lúc này đã tự ăn được bằng muỗng.
- Giai đoạn 2 – 3 tuổi: khi được người khác hướng dẫn trẻ đã biết cách rửa tay, sử dụng muỗng để ăn, nhiều trẻ còn tháo lắp được các đồ chơi đơn giản.
- Giai đoạn 3 – 4 tuổi: lúc này trẻ đã tự mặc được áo quần, biết sử dụng kéo để cắt giấy, có thể vẽ ngôi nhà và các đồ vật ít chi tiết.
- Giai đoạn 5 – 6 tuổi, trẻ đã có thể viết, tô màu theo tranh có sẵn,… mức độ ghi nhớ cũng phát triển hơn.
4. Các hoạt động thúc đẩy trẻ phát triển vận động tinh
Kết hợp các hoạt động vui chơi vào thói quen sinh hoạt hàng ngày của trẻ có thể giúp cải thiện các kỹ năng vận động tinh. Khả năng học và thực hành các kỹ năng vận động tinh ngay từ khi còn nhỏ có thể mang lại nhiều lợi ích về mặt học tập, xã hội và cá nhân.
- Cho phép con giúp đỡ trong quá trình chuẩn bị cho bữa ăn như khuấy, trộn hoặc đổ nguyên liệu
- Cả gia đình cùng nhau chơi ghép hình
- Chơi các trò có liên quan đến lăn xúc xắc như cờ tỷ phú, cờ cá ngựa
- Vẽ bằng các ngón tay
- Cho con sắp xếp bàn ăn
- Dạy con cách đổ nước vào cốc
- Khuyến khích bé chơi đất sét bằng cách lăn tròn hoặc lăn kéo dài
- Hướng dẫn trẻ cách sử dụng dụng cụ bấm lỗ
- Quấn dây xung quanh một vật nào đó
- Đặt đồ vật vào hộp sau đó khuyến khích con lấy ra bằng một chiếc kẹp hoặc nhíp.
Phụ huynh có thể đăng ký tư vấn, đánh giá trẻ miễn phí cùng với chuyên gia của Trung tâm Can thiệp sớm Happy “Tại đây”
Th.S Nguyễn Tiến Đạt
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Trí Tuệ Nhân Tạo Trong Giáo Dục
CEO Hệ Thống Can thiệp sớm Happy