Floortime (Ngồi Sàn)
1. Phương pháp FLOOR TIME LÀ GÌ?
Ngồi sàn (Floortime): là một kỹ thuật trị liệu dựa trên nền tảng của mô hình mối quan hệ phát triển cá nhân khác biệt (DIR – Developmental Individual Difference Relationship Model) được phát triển từ những năm 1980 bởi Stanley Greenspan.
Ngồi sàn (Floortime) dựa trên tiền đề là người lớn có thể giúp trẻ mở rộng vòng tròn giao tiếp của mình bằng cách hội nhập với trẻ ở mức phát triển hiện tại của trẻ và dùng thế mạnh của chúng để xây dựng thêm lên. Việc trị liệu thường được kết hợp với các hoạt động vui chơi trên sàn nhà. Mục tiêu của Floortime là giúp trẻ đạt được 6 mốc phát triển góp phần cho sự trưởng thành về cảm xúc và trí tuệ.
Phương pháp can thiệp Floortime (Ngồi sàn)
Floor time là một cách làm việc có hệ thống với trẻ để giúp trẻ bước lên từng bậc thang phát triển. Bằng cách làm việc tăng cường với cha mẹ , các nhà trị liệu, trẻ có thể bước lên từng bậc thang phát triển, khi đạt được một nấc là trẻ bắt đầu có được các kỹ năng mà trẻ không đạt được trước đây. Trong thời gian chơi, đầu tiên trẻ học được niềm vui trong việc thân thiết với người khác và sự hài lòng khi trẻ biết khởi đầu, tạo ra các ước muốn và các nhu cầu của trẻ được hiểu biết và trẻ biết đáp ứng. Thời gian chơi còn tạo ra các cơ hội để trẻ có được các cuộc đối thoại dài, lúc đầu là các giao tiếp không lời (cử chỉ, điệu bộ, nét mặt…), sau đó là có lời và cuối cùng là tưởng tượng và suy nghĩ.
Floor time giống như tương tác hằng ngày ở chỗ chơi đùa mang tính tự động và vui vẻ. Floor time không giống như chơi bình thường ở chỗ bạn (cha mẹ, người chăm sóc, nhà trị liệu) có vai trò phát triển. Vai trò của bạn là một người cùng chơi rất năng động của trẻ.
Công việc của bạn là: Nương theo hướng chơi của trẻ và chơi bất cứ điều gì thu hút sự thích thú của trẻ nhưng bạn phải làm điều đó theo cách khuyến khích trẻ tương tác với bạn.
Vai trò của bạn là: một người trợ giúp biết xây dựng, khi cần thiết bạn có thể làm cách nào đó để đưa hoạt động của trẻ thành tương tác có 2 người.
2. 6 ĐIỂM MỐC PHÁT TRIỂN:
Tự điều chỉnh và quan tâm đến thế giới xung quanh:
Trong suốt giai đoạn này, cách thức mà trẻ điều chỉnh và xử lý cảm giác là một yếu tố góp phần quan trọng, trẻ có thể là quá nhạy cảm (dễ bị kích thích quá mức), hay trẻ có thể kém nhạy cảm (Trẻ cần nhiều thông tin cảm giác để được kích thích), sự nhạy cảm của trẻ có thể thay đổi theo từng giác quan ( sờ, ngửi, nghe…) hoặc thay đổi từng ngày (lúc này kém nhạy cảm, lúc khác lại quá nhạy cảm).
Sự mật thiết:
Ở giai đoạn này trẻ có thể ghi nhận được các âm thanh và nguồn phát ra tiếng nói. Trẻ bắt đầu tìm kiếm các khuôn mặt quen thuộc, đồ vật quen thuộc và trẻ có thể chú ý được 30 giây hoặc hơn. Đây là khả năng mật thiết, chính điều này tạo nên nền tảng cho tất cả mối quan hệ trong tương lai và liên kết các kỹ năng vận động, nhận thức và ngôn ngữ.
Giao tiếp 2 chiều:
Trong giai đoạn này trẻ nhận ra được hành động của trẻ gây ra phản ứng ở
người khác (trẻ cười sẽ được cười đáp trả). Đây là điểm khởi đầu của việc đối thoại qua cử chỉ, điều này dẫn đến việc mở và đóng các vòng tròn giao tiếp. Kinh nghiệm giao tiếp 2 chiều giúp trẻ hình thành một cảm nhận cơ bản về ý hướng. Điều này đưa đến việc học tập các bài học cơ bản về cảm xúc, nhận thức và vận động.
Giao tiếp phức tạp:
Trong giai đoạn này, trẻ bắt đầu nối kết các cử chỉ thành các đáp ứng phức tạp hơn. Số lượng và tính phức tạp của các vòng tròn giao tiếp được hoàn chỉnh bắt đầu gia tăng
Ví dụ: Bắt đầu chơi trẻ chỉ một đồ vật và cha mẹ cùng nhìn về phía đồ vật đó, trẻ nhìn cha mẹ : đó là một vòng tròn giao tiếp, sau đó trẻ cầm vật đó đưa vào tay mẹ (vòng tròn thứ 2), mẹ tròn mắt nhìn vật đó và trẻ cũng tròn mắt cùng nhìn (vòng tròn thứ 3)…. Các vòng tròn giao tiếp càng phát triển nhiều thì trẻ càng phát triển. Sự phát triển của đối thoại qua cử chỉ điệu bộ là tiền đề cho sự phát triển âm ngữ. Trẻ phát triển khả năng tạo ra được các cử chỉ phức tạp và nối một loạt các hành động với nhau thành một chuỗi giải quyết vấn đề có tính chi tiết và cẩn thận. Sự phát triển về khả năng diễn đạt và cử chỉ phức tạp này cũng làm gia tăng khả năng sang tạo.
Ý tưởng cảm xúc
Trong suốt giai đoạn này trẻ học được rằng biểu tượng đại diện cho sự vật (búp bê cha, búp bê mẹ) mỗi biểu tượng là một ý tưởng (búp bê mẹ đút ăn cho búp bê con), một điều trừu tượng về một vật cụ thể (khoảng trống tam giác trong cuốn lịch để bàn có thể là đường hầm cho xe hơi đi qua, xe dừng lại đổ xăng ở một trạm hình khối vuông), hoạt động và cảm xúc đi cùng với thế giới mà trẻ quan tâm. Khả năng tạo ra các ý tưởng bắt đầu dẫn đến việc chơi giả vờ. Trẻ càng có thời gian chơi giả vờ nhiều thì trẻ càng thấy thoải mái trong thế giới ý tưởng
Suy nghĩ cảm xúc hay ý tưởng logic:
Trẻ bắt đầu biểu lộ cảm xúc bằng cách xử dụng các từ thay vì hành động. Nguyên nhân gây ra cảm xúc của trẻ được liên kết với các hành động hay sự kiện nào đó ( ví dụ: Con vui lắm vì con được chơi với mẹ). Những liên kết giữa cảm xúc và hành động như thế này giúp trẻ tiên đoán và nghĩ về những điều xảy ra ở tương lai. Trẻ cũng bắt đầu xây dựng cầu nối giữa chơi và liên kết chúng thành các chuỗi logic ( Ví dụ: Xe đi qua đường hầm, xe leo lên dốc, xe hết xăng và dừng lại đổ xăng…) Trẻ bắt đầu hiểu được các khái niệm ban đầu về không gian và thời gian theo một cách thức cá nhân và mang tính cảm xúc (Ví dụ: (Búp bê con mệt quá rồi, búp bê đi vào phòng ngủ thôi). Cũng có sự gia tăng giao tiếp qua lời nói và các kỹ năng giải quyết vấn đề trong giai đoạn này.
TÓM LẠI:
Trẻ đạt được các điểm mốc này ở những lứa tuổi khác nhau. Mỗi điểm mốc đạt được sẽ là nền tảng cho giai đoạn kế tiếp.
BAO LÂU LÀ ĐỦ?
Trẻ có nhu cầu đặc biệt thường cần nhiều buổi chơi một ngày. Nhiều người trong nhà, bạn bè, người chăm sóc, sinh viên…. Đều có thể là một phần trong đội ngũ chơi. Đối với trẻ tự kỷ, đặc biệt là trẻ có khó khăn nặng nề, khoảng 6 – 10 lần chơi một ngày, mỗi lần khoảng 30 phút là tối ưu. Một đến hai lần một ngày thường thì không đủ.
Phụ huynh có thể đăng ký tư vấn, đánh giá trẻ miễn phí cùng với chuyên gia của Trung tâm Can thiệp sớm Happy “Tại đây”
Th.S Nguyễn Tiến Đạt
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Trí Tuệ Nhân Tạo Trong Giáo Dục
CEO Hệ Thống Can thiệp sớm Happy