Can thiệp sớm là gì?

1. Can thiệp sớm là gì?

Can thiệp sớm là hoạt động giáo dục có mục đích của nhà trị liệu, được thiết kế riêng nhằm hỗ trợ cho những học sinh có nhu cầu đặc biệt.

Can thiệp sớm là việc thực hiện bài bản các quy trình từ nhận diện, đánh giá, lập kế hoạch, can thiệp và đánh giá định kỳ học sinh.

Can thiệp cho trẻ có nhu cầu đặc biệt có thể là tại các trung tâm can thiệp trị liệu, các chương trình can thiệp trị liệu cá nhân hoặc trực tiếp tại nhà.

Việc can thiệp được thực hiện càng sớm thì càng tốt cho trẻ. Tốt nhất là từ 2 – 4 tuổi.

Hoạt động can thiệp trẻ cần song song với hoạt động hỗ trợ phụ huynh tương tác với trẻ tại nhà.

 

2. Mục tiêu can thiệp sớm

Phát hiện sớm, can thiệp sớm, toàn diện và phù hợp với mức độ rối loạn của trẻ.

Chăm sóc và can thiệp chuyên sâu nhằm tạo ra sự thay đổi đáng kể về kỹ năng của trẻ, giúp trẻ chủ động, tự tin hòa nhập với cộng đồng.

Vun đắp, bồi dưỡng kỹ năng sống và giá trị sống để học sinh trở thành một công dân tốt đối với gia đình và xã hội.

3. Quy trình can thiệp sớm

Quy trình can thiệp sớm gồm 5 giai đoạn, các giai đoạn này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Nhận diện

Khởi đầu của quá trình can thiệp sớm là khi cha mẹ phát hiện ra những đặc điểm không bình thường trong sự phát triển của trẻ. Cha mẹ trẻ lo lắng và đứa con đi các nơi để tìm kiếm sự giúp đỡ.

Trong các giai đoạn này, tâm lý chung của các cha mẹ đều mâu thuẫn phức tạp. Cha mẹ có thể bị sốc, không tin, phủ nhận, giận giữ, đổi lỗi cho người khác,… và sau cùng mới chấp nhận sự thật. Phản ứng của các chuyên gia cần phù hợp với cha mẹ, giúp cha mẹ bình tĩnh, thấu hiểu và tìm cách hành động vì đứa con của mình.

Giai đoạn nhận diện nhằm phát hiện sớm những rối loạn phát triển và các khuyết tật (thể chất và tâm thần) của trẻ.

Đánh giá

Giai đoạn đánh giá là việc thực hiện bài bản các bước từ sàng lọc, chuẩn đoán và đánh giá nhằm xác định vấn đề nguy cơ, xác định rối loạn và xác định mức độ rối loạn mà học sinh đang gặp phải.

Dựa trên kết quả của các bước đánh giá sẽ là tiền đề, cơ sở để chuyên gia lập kế hoạch can thiệp cho học sinh.

Kết quả đánh giá sẽ quyết định trực tiếp đến hiệu quả của can thiệp. Vì vậy, học sinh được đánh giá nhiều lần, đa dạng môi trường và trực tiếp với chuyên gia thì hiệu quả đánh giá sẽ tốt nhất.

Lập kế hoạch

Dựa vào việc thu thập thông tin và kết quả của giai đoạn đánh giá, chuyên gia sẽ lập cho trẻ một kế hoạch can thiệp cá nhân (Phác đồ và Lộ trình can thiệp).

Phác đồ và lộ trình can thiệp cần dựa trên các yếu tố:

  • Toàn diện và phù hợp với mức độ rối loạn của trẻ.
  • Những điểm mạnh và điểm yếu của trẻ.
  • Nhu cầu can thiệp của học sinh và gia đình.
  • Những mục tiêu cần ưu tiên trong giai đoanh hiện tại.

Can thiệp

Đây là giai đoạn mà các chuyên gia, giáo viên can thiệp, cha mẹ, học sinh thực hiện tiến trình can thiệp theo kế hoạch can thiệp cá nhân.

Nhà liệu liệu cần có một hệ thống giáo án can thiệp chi tiết, nhật ký can thiệp để ghi lại những đặc điểm, thay đổi,… mà trẻ bộc lộ ra trong quá trình can thiệp.

Những dữ liệu này phục vụ trực tiếp cho hoạt động can thiệp và là cơ sở để so sánh sự thay đổi, phát triển của học sinh.

Đánh giá định kỳ

Trong quá trình thực hiện kế hoạch can thiệp cá nhân cho trẻ, cần có thời gian để các chuyên gia xem xét và đánh giá lại toàn bộ kế hoạch và hiệu quả can thiệp.

Dựa trên kết quả, chuyên gia sẽ điều chỉnh và cập nhật phác đồ, lộ trình can thiệp phù hợp với năng lực hiện tại của trẻ.

Đánh giá định kỳ nhằm xác định những tồn tại, hạn chế, mức độ thích ứng phác đồ,… của trẻ. Từ đó, chuyên gia quay lại điều chỉnh kế hoạch can thiệp, tiến hành can thiệp và tiếp tục đánh giá lại. Cứ như vậy, chu trình khép kín của quá trình can thiệp sớm được diễn ra.

Phụ huynh có thể đăng ký tư vấn, đánh giá trẻ miễn phí cùng với chuyên gia của Trung tâm Can thiệp sớm Happy “Tại đây”

Th.S Nguyễn Tiến Đạt

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tâm lý – Giáo dục đặc biệt

Co-Founder Trung tâm Can thiệp sớm Happy

call-to-like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *